MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG GÓP PHẦN ĐƯA YẾN SÀO TRỞ THÀNH SẢN PHẨM QUỐC GIA CÓ UY TÍN

20/01/2021 quocyen.com
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG GÓP PHẦN ĐƯA YẾN SÀO TRỞ THÀNH SẢN PHẨM QUỐC GIA CÓ UY TÍN

Thời gian qua, tận dụng lợi thế địa lý và điều kiện tự nhiên, một số tỉnh như: Khánh Hòa, Kiên Giang… đã tập trung đầu tư cho nuôi, chế biến, phân phối, nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi yến sào và bước đầu thu được giá trị kinh tế cao cho địa phương và doanh nghiệp, tạo thêm nhiều công ăn việc làm... Tuy nhiên, để đưa yến sào trở thành sản phẩm trọng điểm quốc gia có uy tín thì cần tạo lập hành lang pháp lý vững chắc và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu một cách hiệu quả.

Thực trạng về sản phẩm yến sào tại Việt Nam

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có gần 9.000 nhà yến trải dài ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và con số này còn tiếp tục tăng. Trong thực tiễn phát triển nghề nuôi chim yến ở các tỉnh/thành phố, nhiều vấn đề nảy sinh nhưng thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết: việc xây dựng nhà yến còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; các nhà yến xây dựng trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh (tiếng ồn từ loa phát dẫn dụ chim yến, mùi phân yến…). Điều này dẫn tới những xung đột giữa hộ nuôi yến và người dân xung quanh nhà yến. Đến nay, chưa có một cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý chất lượng, tiêu chuẩn cũng như đảm bảo đời sống cộng đồng xung quanh nơi nuôi yến.

Nhà nuôi yến thường ở xa khu dân cư, đảm bảo kỹ thuật hạ tầng mới có thể dẫn dụ yến ở lại, sinh trưởng và phát triển.

Trong hệ sinh thái, chim yến sử dụng các loài côn trùng làm thức ăn với tập tính vừa bay, vừa bắt mồi. Chim yến bay lượn, uống nước, bắt mồi cả ngày và chỉ đậu nghỉ khi trở về nhà yến vào buổi chiều tối. Một số địa phương có mật độ nhà yến tăng cao một cách đột ngột dẫn tới ảnh hưởng cạnh tranh nguồn thức ăn trong tự nhiên của chim yến. Đặc biệt trong mùa sinh sản, nếu nguồn thức ăn ngoài tự nhiên ít sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ thành công trong sinh sản của chim yến. Ở nhiều tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, song hành với sự tồn tại của các quần đàn yến đảo tự nhiên là sự phát triển không ngừng của các nhà yến ở trong đất liền. Chim yến đảo bay vào đất liền để kiếm ăn rồi bay trở lại hang đảo. Vì vậy, tất yếu xảy ra sự cạnh tranh nguồn thức ăn ngoài tự nhiên của yến đảo và yến nhà, đặc biệt là trong thời kỳ sinh sản.

Một số định hướng phát triển

Là một quốc gia đi sau trong lĩnh vực phát triển nghề nuôi yến ở khu vực Đông Nam Á, nước ta hiện có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đi tiên phong và rất tâm huyết, sáng tạo trong việc cải tiến, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nhằm phát triển nhanh nghề này. Điều đáng mừng là chỉ trong một thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã dần làm chủ các kỹ thuật (lựa chọn vị trí, xây dựng nhà yến, lắp đặt thiết bị, vận hành, chế biến tổ yến…), tạo ra sự đa dạng các sản phẩm từ tổ yến trong đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc… Chúng ta cũng đã chủ động trong việc ấp nở nhân tạo chim yến nhằm tăng hiệu quả sinh sản, phát triển quần đàn yến, di đàn, tăng năng suất, sản lượng tổ yến. Một loạt sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến, xây dựng nhà yến đã được xuất bản. Tuy nhiên, nhiều vấn đề vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu làm rõ, ví dụ như vấn đề liên quan tới âm sinh học của chim yến. Tương tự, về góc độ sinh thái học quần thể, để một quần đàn chim yến phát triển bền vững, chúng cần duy trì một tỷ lệ giới tính trống, mái phù hợp. Làm thế nào để kiểm soát và duy trì cân bằng giới tính cho sự phát triển của quần đàn chim yến cũng cần tiếp tục nghiên cứu.

Về mặt quản lý nhà nước, cũng như bất kỳ ngành nghề sản xuất nào khác, nghề nuôi yến nhà cần được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương có tiềm năng. Đây là một ngành nghề có điều kiện, cần có sự tham gia đầu tư của cộng đồng và sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển nghề nuôi yến, chúng ta đang từng bước hoàn thiện về mặt thể chế. Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. Theo đó, tại Chương V, Mục 1, Điều 64 đã để riêng mục Quản lý nuôi chim yến. Luật nêu rõ: 1. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến; 2. Hoạt động nuôi chim yến bao gồm dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến; 3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải hoàn thiện và ban hành thông tư quy định về quản lý nuôi chim yến. Cùng với đó, hoàn thiện và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà nuôi chim yến và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tổ chim yến. 

Đối với nghề nuôi yến, cần phải xây dựng một hệ thống viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm có khả năng kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật các nhà yến cũng như sản phẩm tổ yến. Sẽ rất thuận lợi nếu chúng ta đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm của các doanh nghiệp KH&CN lớn bên cạnh xây dựng các viện nghiên cứu mới như Viện nghiên cứu chim yến để phối hợp thực hiện chức năng kiểm soát tiêu chuẩn kỹ thuật. Với việc dần hoàn thiện các hành lang pháp lý và thể chế hóa công tác quản lý phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam, chúng ta hy vọng đây sẽ là ngành nghề đầy triển vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Theo "Tạp chí điện tử Khoa học & Công nghệ Việt Nam"

Viết bình luận của bạn: