"Mô hình xây nhà nuôi chim yến khai thác tổ dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng vẫn còn tự phát, rời rạc, không theo quy hoạch. Khi tổ yến được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, cơ hội của nghề nuôi chim yến càng mở ra thêm. Tuy nhiên, cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm thì mới khai thác được thị trường bền vững.
Nhu cầu lớn, quy mô tăng nhanh
Với đặc thù đất nông nghiệp rộng, vừa có núi, vừa có sông, khí hậu hài hòa, ổn định, An Giang được đánh giá là một trong những vùng rất phù hợp để chim yến sinh trưởng, phát triển. Trên thực tế, quy mô xây dựng nhà nuôi chim yến tăng nhanh trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ cho biết, nếu như trước đây, nông nghiệp An Giang chủ yếu xoay quanh thế mạnh lúa, cá, xoài… thì gần đây, có thêm những sản phẩm giá trị như tổ yến. Từ năm 2022, tổ yến được tính là ngành hàng có đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang.
Với trên 1.000 nhà nuôi chim yến hiện có, sản lượng đạt hơn 10 tấn tổ yến/năm, giá tổ yến thô nội địa từ 18-20 triệu đồng/kg, tương đương giá trị đóng góp từ 180-200 tỷ đồng. “Con số này còn khá khiêm tốn bởi nghề nuôi chim yến được xem là phù hợp với điều kiện ở An Giang, tiềm năng còn phát triển mạnh, đặc biệt khi tổ yến được xuất khẩu chính ngạch” - ông Thọ đánh giá.
Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định vùng được phép nuôi, không được phép nuôi, hướng dẫn quy trình cấp phép nuôi chim yến trên địa bàn An Giang. Nghị quyết này cùng với nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc (được Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký tại Hà Nội và Bắc Kinh ngày 9/11/2022) là những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh từng bước tổ chức lại hoạt động nuôi chim yến theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu tổ yến ngày càng lớn.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Vệ sinh thú y Trung ương 2 Bùi Huy Hoàng, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, sản phẩm tổ yến Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ của Hải quan Trung Quốc. Do vậy, Trung tâm Vệ sinh thú y Trung ương 2 đang xây dựng chương trình giám sát thú y và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ kiểm tra, giám sát tại các cơ sở nuôi, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu.
Liên kết cùng phát triển
Trên thực tế, dù mô hình xây nhà nuôi chim yến phát triển mạnh thời gian qua nhưng chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ, tiêu thụ nội địa. Nếu không thực hiện quy hoạch, liên kết, hướng đến thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu bền vững, rất dễ xảy ra tình trạng cung vượt cầu, có thể có câu chuyện “giải cứu” tổ yến.
Mới đây, Sở NN&PTNT An Giang đã phối hợp Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến (Công ty Quốc Yến) tổ chức chương trình kết nối chuỗi cung ứng nguyên liệu yến định hướng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trao đổi tại chương trình kết nối. Ảnh: Báo An Giang Online.
Chia sẻ về ý tưởng ra đời của Công ty Quốc Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hồng Đình Khoa cho biết, công ty được thành lập từ chính những thành viên có kinh nghiệm nuôi chim yến. “Từng cá nhân tự nuôi thì chỉ có thể bán tổ yến thô, còn muốn có sản phẩm giá trị hơn thì phải hợp tác lại. Chúng ta phải đặt tổ yến vào đúng vị trí của nó. Các thành viên công ty đã đi học hỏi kinh nghiệm ở một số nước xuất khẩu tổ yến, rồi chăm chút xây dựng quy trình nuôi, chế biến bài bản, quy mô, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu” - ông Khoa nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Công ty Quốc Yến, đến nay, Việt Nam trở thành nước thứ 4 được xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc, sau Malaysia (năm 2014), Indonesia (2015) và Thái Lan (2017). Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến rất mạnh, nhu cầu tăng nhanh. Năm 2019, sản lượng yến sào nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đạt 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn, còn 2021 đạt 300 tấn. Giai đoạn 2015-2017, giao dịch mặt hàng tổ yến trên mạng xã hội Trung Quốc tăng 30 lần; riêng giá trị giao dịch mặt hàng tổ yến trên nền tảng Alibaba đạt 2 tỷ USD năm 2017.
“Tổ yến Việt Nam được đánh giá cao nhất trong khu vực về mùi hương và giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đạt chuẩn từ nguyên liệu tổ yến, nhà máy chế biến đến quy trình xuất khẩu; từng khâu đều phải có chứng nhận kiểm định, hồ sơ chứng minh nguồn gốc” - ông Khoa chia sẻ.
Nhằm giảm lo lắng của các hộ nuôi yến về quy trình nuôi, hồ sơ, thủ tục phức tạp, tại buổi kết nối, ông Hồng Đình Khoa cho biết, Công ty Quốc Yến sẽ hỗ trợ các hộ, cơ sở liên kết cung cấp nguyên liệu về kỹ thuật, quy trình nuôi đạt chuẩn, chi phí xét nghiệm, an toàn vận chuyển, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu với giá trị cao hơn.
Công ty Cổ phần Việt Nam Quốc Yến đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất yến sào đầu tiên tại tỉnh An Giang. Nhà máy có tổng diện tích 1,4ha, đặt ở xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên), gồm 4 phân xưởng sản xuất. Với dây chuyền nhà máy đạt chuẩn, công ty sẽ mở rộng liên kết với các hộ nuôi chim yến trong vùng để xây dựng thành chuỗi giá trị tổ yến bền vững."
*Nguồn: "Liên kết nâng cao giá trị nghề nuôi chim yến" - Ngô Chuẩn (Báo An Giang Online).